23 tháng Chạp: Cách chuẩn bị mâm cúng đưa ông Táo về trời, ý nghĩa việc này
Ngày 23 tháng Chạp theo tập tục dân gian là ngày cúng ông Táo, ông Công. Mỗi gia đình thường chuẩn bị con cá chép, mâm cúng để đưa ông Táo về trời. Vậy ý nghĩa của tập tục này là gì?
Ngày 23 tháng Chạp – cúng ông Công ông Táo được xem là cột mốc đánh dấu kết thúc một năm cũ, chuẩn bị chào đón Tết Nguyên Đán. Do đó, đến sát ngày này, khắp các chợ đều bày bán cá chép, vàng mã cúng đưa ông Táo. Sau khi cúng xong, người Việt có thói quen phóng sinh cá xuống ao, hồ, kênh, rạch để ông Táo “cưỡi” về trời.
Tập tục này xuất phát từ đâu và có ý nghĩa thế nào trong đời sống của người Việt?
Nguồn gốc ông Công ông Táo
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho biết, tục đưa ông Táo về trời là văn hóa của Trung Quốc. Dân gian ta thường có câu:
Thế gian một vợ một chồng
Không như vua Táo hai ông một bà
Câu chuyện về sự tích ông Công ông Táo được tương truyền với nhau rằng, xưa kia có vợ chồng Trọng Cao – Thị Nhi ở với nhau lâu năm nhưng không sinh được con. Người xưa chưa rành về y học nên cho rằng việc vợ chồng không sinh được con là do người vợ là “gái độc”.
Càng mong mỏi có con, Thị Nhi càng cảm thấy oan ức. Dần dà, cuộc sống hai vợ chồng nảy sinh những mâu thuẫn, ban đầu là những lời cãi vã, nhưng sau đó mâu thuẫn đến đỉnh điểm, Trọng Cao đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ nên Thị Nhi đau đớn bỏ nhà ra đi.
Thị Nhi ra đi với mong muốn chồng có cảm giác hối hận rồi đi tìm mình về. Nhưng mãi vài hôm sau Trọng Cao mới bắt đầu đi tìm vợ. Ngày này qua tháng khác, Thị Nhi cũng lưu lạc rồi gặp Phạm Lang và nên duyên vợ chồng. Một thời gian lang bạt tìm vợ, Trọng Cao như một người ăn xin nay đây mai đó.
Tình cờ một ngày, Trọng Cao đến xin đúng nhà của Thị Nhi. Gặp lại nhau, cả hai rơm rớm nước mắt, Thị Nhi thấy bản thân có lỗi vì chuyện không có gì cũng bỏ nhà đi, lấy người khác làm chồng nên xin Trọng Cao tha thứ. Trọng Cao gặp vợ cũng mong vợ bỏ qua lỗi lầm, hai người ôm nhau say đắm thì Phạm Lang về.
Thị Nhi hoảng loạn xúi chồng cũ chui vào đống rơm núp tạm, vì đi nhiều ngày không ăn không uống nên Trọng Cao vào trốn thì ngủ say. Phạm Lang về đến nhà được hàng xóm yêu cầu bán tro, ông bèn đốt đống rơm để lấy tro bán. Lúc này, do ngủ say nên Trọng Cao chết cháy. Nhìn đống rơm cháy phừng phực, Thị Nhi cảm mình có sống cũng không còn ý nghĩa nên lao vào đống rơm chết theo, Phạm Lang nghỉ không hiểu chuyện gì, cũng nghĩ chỉ còn lại một mình thì không thiết tha sống nên ông cũng nhảy vào đống rơm cùng chết.
Sự kiện này được các thần linh báo với Thượng Đế nên Thượng Đế ra lệnh cho một bà, hai ông được làm thần Táo trong mỗi gia đình. Qua đó, một bà hai ông lúc nào cũng được nhớ đến bằng bếp lửa hằng ngày tạo cơ hội cho họ hàn gắn với nhau. Ý nghĩa qua câu chuyện này là để các gia đình có vợ có chồng sống bên bếp lửa biết quý trọng hạnh phúc mình đang có, qua đó vun vén, xây dựng gia đình.
Ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa thế nào trong Phật giáo?
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, tục đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa ban đầu là sau 1 năm ở dương gian, ông Táo về Thiên đình, trình báo các việc tốt hoặc chưa tốt của một hộ gia đình lên Ngọc Hoàng để Ngọc Hoàng phán quyết tội hay phúc cho gia đình đó vào năm sau.
Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, trong văn hóa Phật giáo không có ai xử phạt chúng ta từ cõi thiên đường qua Thượng Đế hay các thần linh. Các hành vi của chúng ta bị luật pháp giám sát, nếu có gì trái với quy định của luật pháp thì chúng ta phải chịu phán quyết của tòa án. Ngoài ra, chúng ta không phải chịu bất cứ những gì được xem như năng lực siêu nhiên áp đặt từ bên ngoài.
“Đối với Phật giáo, ngày 23 tháng Chạp không có ý nghĩa gì cả, những chùa ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tăng hoặc ni ở trong ngôi chùa đó nhân dịp này nghỉ tu tập, tập trung dọn dẹp vệ sinh, bày trí trang trí hoa xuân, cảnh tết để ngày 30 tháng Chạp làm lễ giao thừa. Đó là thời khắc theo văn hóa Phật giáo là Đức Phật Di Lặc ra đời để mở đầu cho một ngày mới của tháng mới, năm mới theo âm lịch, đặc biệt là nền văn hóa Phật giáo Đại Thừa”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Cúng ông Công ông Táo thế nào?
Thượng tọa trụ trì chùa Giác Ngộ cho hay, tục cúng ông Công ông Táo ở nước ta có sự khác biệt ở cả 3 miền. Ở miền Bắc, khoảng từ 17 tháng Chạp mọi người đã bắt đầu cúng ông Táo, kết thúc vào ngày 23.
Ngày cúng đưa ông Táo về trời thường gắn liền với việc phóng sinh cá chép vì người miền Bắc nghĩ con cá chép có sức mạnh, có thể hóa long vượt vũ môn bay về trời, đó là cách ngắn nhất để ông táo có mặt trên thiên đình để báo những việc xảy ra trong gia đình trong 1 năm.
Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: “Người ta mua cá bỏ trong bọc ni lông đứng trên cầu thả xuống vô tội vạ, nhiều con thả xa quá đạp vô thành cầu chết, có con vì độ cao bị trút xuống xong chết. Nhiều người thả luôn cả bọc ni lông, vậy là gây ô nhiễm môi trường, không biết bao nhiêu năm mới phân hủy xong. Chưa kể có nhiều người đã chờ sẵn ở những nơi nhiều người phóng sinh để bắt cá lại cho những mục đích tiêu thụ khác. Chúng ta thử tưởng tượng một nhà cứ thả vài con như vậy thì ông Táo chọn con cá nào để đi về…”.
Trong khi đó, ở miền Trung một số gia đình cúng ông Táo với con ngựa khỏe mạnh có dây đai, yên cương vững chắc để ông Táo phi về trời. Miền Nam thường cúng ông Táo theo bộ ba. Thường thấy nhất là ba chiếc nón, trong đó nón bên trái, bên phải có 2 hia tượng trưng cho 2 ông, nón giữa không có hia tượng trưng cho 1 bà. Mâm cúng ông Táo của người miền Nam thường có con gà cồ đang tập gáy.
“Tục cúng ông Công ông Táo ở ba miền khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau ở chỗ người ta tin rằng thông qua việc cúng kính thì ông Táo được mua chuộc, lấy lòng. Do vậy, ông Táo sẽ báo trình Thượng Đế việc tốt của gia đình. Đây như một hình thức hối lộ để người ta không tố giác việc xấu của bản thân mình nên việc cúng kính đó là hình thức thôi”, trụ trì chùa Giác Ngộ nhận xét.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, tập tục cúng ông Táo về trời là của Đạo Nho và hiện nay Đạo Nho gần như không còn hoạt động ở Việt Nam nữa, mà chỉ còn là một ý thức hệ triết học. Do đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng cũng đã đến lúc chúng ta nên khép lại những gì thuộc về truyền thống văn hóa của Trung Hoa, không phải là gốc rễ tinh thần của người Việt. Những truyền thống, tập tục văn hóa nếu có tiếp thu thì chúng ta cần hết sức sàng lọc, những gì thuộc về mê tín không nên làm theo.
Từ đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định, việc cúng ông Táo vào tối 22 hay ngày 23 không quan trọng. Việc cúng ông Công ông Táo bằng cá chép thật hay cá giấy cũng không quan trọng.
Sau cùng, nói về tục cúng ông Công, ông Táo, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói: “Việt Nam chúng ta đang hướng tới chủ nghĩa pháp quyền để tạo ra công bằng xã hội mọi người trước luật pháp. Hình thức lấy lòng mua chuộc đó nếu có đi nữa cũng không phải là điều tốt ở cả phương diện văn hóa, luật pháp, đạo đức. Hãy đề cao tính công bằng để ai làm tốt được thưởng, ai làm xấu thì bị phạt”.
Bài viết liên quan
- Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn Khó có thể định nghĩa tâm linh là gì, song có thể khẳng định chỉ có con người mới có được khái niệm về tâm...
- Theo chân những người làm nghề hỏa táng Đây là một nghề cực nhọc, hiểm nguy và độc hại nhưng lại thấm đượm tình người, có ý nghĩa đối với phong tục tập...
- Những nghi lễ cúng tuần cho người mới mất Nghi lễ cúng tuần là nghi lễ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là một trong những nghi lễ quan trọng khi...
- Khám phá phong tục rằm tháng 7 ở các nước trên thế giới Rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”, là một ngày lễ lớn, quan trọng trong phong tục của nhiều...
- Lễ vật cúng tảo mộ Tết Thanh Minh cần chuẩn bị gồm những gì? Lễ vật cúng Thanh Minh không quá cầu kỳ nhưng phải đầy đủ để cúng 2 nơi là nơi đặt mộ và cúng gia tiên...
- Giáo hội Phật giáo khuyên hỏa táng, để tro cốt trong tháp Tinh thần chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là khuyến khích hỏa táng và để tro cốt trong tháp. Liên quan đến vụ...