Nơi gửi gắm linh hồn trong những ngôi chùa Khmer
Tục hỏa táng tại chùa là nghi thức tang ma truyền thống đối với phật tử theo Phật giáo Nam tông. Tại Việt Nam, việc hỏa táng tại các ngôi chùa Phật giáo Khmer đã trở nên quen thuộc, được chính quyền các địa phương có dân tộc Khmer sinh sống khuyến khích. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hỏa táng tại chùa không còn là văn hóa riêng của dân tộc Khmer mà trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội.
Trước đây, các ngôi chùa Khmer đều có quy mô lớn, bề thế, nằm riêng biệt ở ngoài cánh đồng hoặc trên sườn đồi ở những nơi hoang vu ít dân cư. Việc chọn nơi xây chùa cũng là để các tăng ni, phật tử yên tĩnh tu hành, gần gũi với thiên nhiên và tách biệt với đời sống chúng sinh. Việc mỗi ngôi chùa đều có trong vườn chùa một chiếc lò thiêu xác phục vụ tang ma gần như không phương hại gì đến đời sống. Điều này phù hợp với tâm nguyện của các Phật tử Nam tông, sống gửi thân trong chùa, chết gửi tro thiêu vào chùa. Đồng thời, việc hỏa táng theo quan niệm văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer cũng phù hợp với đời sống hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước như hình thức địa táng (dưới đất), huyền táng (treo trên cây) hay là thủy táng (dìm dưới nước)…
Lò hỏa thiêu chùa Phật giáo Khmer tại Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: TTH
Trên thực tế, ở các ngôi chùa Khmer lớn Nam bộ, lò thiêu được xây dựng cùng với ngôi chùa, xa khuất so với chính điện và nhà ở của tăng ni về phía Tây. Bề ngoài, lò thiêu như một chiếc am nhỏ, kiến trúc đồng bộ với ngôi chùa, cửa đóng then cài và chỉ mở ra làm lễ sau đó thiêu xác nếu có phật tử qua đời. Buổi lễ chỉ có các sư cả, sư trụ trì các phật tử và gia đình người quá cố chứng kiến.
Như nhiều dân tộc khác, nghi lễ tang ma đối với người Khmer rất thiêng liêng. Xét theo một quan niệm riêng, họ coi ngôi chùa là ngôi nhà lớn. Nam thanh niên đến tuổi trưởng thành vào chùa tu, có thể học nghề, học chữ trong chùa và khi qua đời được hỏa táng ở chùa.
Tục hỏa táng của người Khmer xuất phát từ việc theo tôn giáo nguyên thủy (Phật giáo Nam tông). Trong quan niệm của Phật giáo, ngôi chùa là nơi trú ngụ của linh hồn những phật tử đã khuất, sau khi được hỏa táng và tro cốt đã được gửi vào chùa. Khi hỏa táng xong, dùng nước mưa tưới lên tro cốt rồi lấy nước dừa tươi rửa sạch bụi bặm trước khi bỏ vào chiếc thố cất giữ trong chùa để thờ. Việc hỏa táng trong chùa được coi là việc thanh tẩy linh hồn. Những người tham gia giúp việc trong đám tang như khiêng quan tài, đưa vào lò thiêu và làm những việc hậu sự cho đến khi tro cốt yên vị trong chùa đều tích được phước đức.
Khi xã hội dần phát triển, nhu cầu môi trường sống trong lành được nhắc tới gay gắt hằng năm, các địa phương đều có kế hoạch xây dựng lại các lò hỏa táng trong chùa để đảm bảo vệ sinh, môi trường và đảm bảo tôn trọng văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Một số địa phương như Sóc Trăng, Trà Vinh… đầu tư xây dựng lại các lò hỏa táng hợp quy định. Tránh việc làm sơ qua, không đảm bảo vệ sinh, đồng thời ghê sợ cho khu dân cư cũng như thiếu kinh phí tu bổ khiến các lò hỏa thiêu xuống cấp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng ban hành quy chuẩn xây dựng lò hỏa táng quy mô nhỏ áp dụng cho các ngôi chùa Phật giáo Khmer. Lò thiêu xác thiết kế phù hợp với kiến trúc chùa. Lòng lò hình chữ nhật với chiều dài khoảng 2m, rộng khoảng 70cm và có đường ray đưa quan tài vào phía trong. Phía trước có nơi làm lễ trước khi tiến hành nghi thức hỏa táng. Mỗi lò xây mới như vậy kinh phí khoảng vài trăm triệu đồng. Các chùa lớn hơn thì lò hỏa táng thường xuyên được tu bổ với nguồn kinh phí lớn hơn.
Vị sư cả chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Thạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu giới thiệu cho chúng tôi biết ngôi chùa này đã tồn tại hơn 100 năm. Và lò hỏa táng tại chùa cũng ra đời cùng với ngôi chùa. Hầu hết các phật tử đã trưởng thành tại đây, tu thân tại chùa đều có mong muốn khi qua đời được hỏa táng tại chùa. Đó là lễ tục ít thay đổi trong hàng trăm năm qua. Chùa Xiêm Cán cũng như nhiều ngôi chùa khác, không chỉ phật tử Phật giáo Khmer qua đời được táng theo hình thức này mà chùa cũng tiếp nhận hỏa táng cho nhiều người dân tộc khác muốn xin hỏa táng tại chùa. Vì thế nhu cầu này ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, khi đô thị hóa hầu như toàn bộ đồng bằng, các ngôi chùa Phật giáo không còn giữ khoảng cách xa với khu dân cư nữa. Xuất hiện nhiều khu dân cư khiếu nại, kiến nghị từ bỏ hoạt động các lò thiêu ở các ngôi chùa trong thành phố, quá gần với nhà dân. Người dân kiến nghị có phần đúng, khi họ lo ngại về vệ sinh, môi trường không bảo đảm của các lò thiêu lọt thỏm ở giữa khu dân cư, trong khi nhà chùa và khu dân cư chưa có đường nước sinh hoạt và nước thải riêng biệt.
Xét về lâu dài, việc thiêu xác trong chùa được tính là một giải pháp cho những vùng dân cư đông đúc nhưng thiếu đất nghĩa trang hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Tránh triệt để tình trạng mùa lũ dâng ở các vùng ngập nước trắng đồng, người chết không có chỗ chôn phải gác quan tài trên chạc cây, chờ nước xuống mới táng xuống lớp đất vẫn còn ngậm nước. Điều này khiến cả người chết lẫn thân quyến đều bất an.
Hiện nay, tại các vùng trũng ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… còn khá nhiều gia đình giữ nếp táng người thân qua đời ngay trong vườn nhà. Hỏi thì họ cho hay: “Đất vườn của mình thì mình táng ông bà, cha mẹ ở đây, từ xưa tới nay vẫn vậy, chứ không biết táng ở đâu?”. Đây là mối nguy lớn cho nguồn nước và ô nhiễm môi trường sống.
Việc đầu tư cho các ngôi chùa Khmer xây các lò thiêu tiêu chuẩn là một giải pháp cấp bách trong xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ma. Giải quyết rốt ráo những vấn đề nảy sinh và mâu thuẫn giữa việc sử dụng lò hỏa táng trong chùa và bảo vệ môi trường khu dân cư cũng góp phần giữ được niềm tin, tín ngưỡng của các phật tử khi còn sống thì muốn gửi tinh thần cho chùa, chết đi cũng muốn gửi linh hồn trong chùa.
Theo bienphong.com.vn
Bài viết liên quan
- Những điều kiêng kỵ khi bốc bát hương mà ai cũng cần nhớ Phong tục bốc bát hương trong thờ cúng tôn giáo của người Việt Nam là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự tôn kính...
- Hũ cốt và những điều cần biết? Giải đáp tâm linh 2023 Có rất nhiều những nghi lễ liên quan đến tâm linh và người đã mất. Không chỉ tổ chức tang lễ cho người đã khuất...
- Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn Khó có thể định nghĩa tâm linh là gì, song có thể khẳng định chỉ có con người mới có được khái niệm về tâm...
- Bồ tát Quảng Đức – Ngọn đèn bất tận Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), hay còn được tôn xưng là “Bồ-tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân”. Chính sách kỳ thị tôn giáo...
- Nghi thức tổ chức tang lễ cán bộ Khác hẳn với những buổi tang lễ thông thường, tang lễ cán bộ cấp cao có những quy định riêng theo nghị định chính phủ...
- Phật giáo và vấn đề hoả táng Hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều hình thức mai táng khác nhau. Mỗi hình thức chọn lựa cho mình khi...