TANG PHỤC TRUYỀN THỐNG
Con trai mặc tang cha mẹ:
Con trai kể từ trưởng nam trở xuống khi cha mẹ mất đều đội mũ vành tròn bện bằng bẹ chuối, có niếng vải sô cột ngang với sợi dây chuối bện nhỏ trên mũ, có quai quàng xuống cằm, nếu để tóc dài thì phải buông xõa. Trong mặc quần áo trắng bằng vải xấu, ngoài phủ thêm quần áo bằng vải sô, thắt dây lưng ngoài áo bằng dây chuối, chân đi giày bện bằng cỏ rơm, hoặc sợi gai. Con trai đều phải chống gậy bằng tre, lớn như cây mía, dài từ chân tới ngang tim chống gốc xuống dưới. Tre tượng trưng cho bốn mùa xanh tốt, hình tròn lòng thẳng, biểu dương lòng thanh sạch của cha. Gậy là sự nương tựa, sự chống đỡ cho con mà con phải tựa nương vào đó để sống còn. Nếu chống gậy cho mẹ thì dùng gậy vông, ta gọi là cây ngô đồng, gốc cũng chống xuống. Nếu cha khuất trước hay mẹ khuất trước, còn lại một người, thì việc chống gậy và chủ tang lễ đều do trưởng nam lo lắng, con trai thứ cũng trang phục và chống gậy, nhưng nghi lễ đều phải theo người con trưởng. Trường hợp trưởng nam mất trước cha mẹ thì con trai lớn nhất của trưởng nam thay thế làm chủ tang để chống gậy thay cho cha báo hiếu ông bà.
Con dâu mặc tang cha mẹ chồng:
Người xưa nói “dâu con rể khách”, ngụ ý là người con gái xuất giá phải theo khuôn phép nhà chồng. Theo luân lí cổ truyền, con dâu nhất là dâu trưởng ngoài khăn sô, quần áo sô như chồng, chỉ khác là chống gậy, đầu đội mũ lúp hai lớp trong bằng vải, bỏ tóc xõa, chít thêm chiếc khăn ngang có đuôi, bổn phận còn phải giúp chồng tất cả công việc ma chay về tinh thần, vật chất cho chu đáo khỏi bị chê bai. Các con dây khác mặc tang phục cũng giống như thế, nhưng không được định đoạt công việc hệ trọng, phải tùy theo vợ chồng trưởng nam cho tang lễ được êm đẹp.
Con gái mặc tang cha mẹ:
Con gái mặc tang phục như con dâu, vì con dâu cũng như ruột thịt, cũng quần áo xổ gấu, nhưng phần chủ tế vẫn thuộc về trưởng nam, nếu người con gái ấy là chị lại chưa xuất giá.
Con rể mặc tang cha mẹ vợ:
Con rể chỉ mặc quần áo dài trắng vải xấu, đội mũ là chiếc khăn trắng quấn vành thêm một miếng vải trắng, phủ lên giữa khăn tang, thêm một sợi dây chuối nhỏ quàng trên đầu buôg vai xuống cằm.
Cháu mặc tang phục cho ông bà:
Cháu ruột (cháu nội): Cháu trai mặc tang phục như con rể, đi chân không, hoặc giày rơm, để tỏ lòng kính hiếu ông bà. Cháu gái như cháu trai nhưng tóc phải bỏ xõa, quần áo cũng bằng loại vải trắng xấu. Cháu ruột (cháu ngoại): Mặc tang phục như cháu nội. Cháu họ nội ngoại: Đầu quấn khăn trắng. Cháu nội ngoại: Mặc tang phục quần áo vải trắng, đội khăn vành tròn màu vàng. Chút nội ngoại: Tang phục được dùng sắc đỏ như khăn đỏ, quần áo đỏ.
Mặc tang phục cho người thân thích:
Quấn khăn trắng, quần áo trắng.
Mặc tang phục cho vợ chồng:
Tang phục khi chồng mất cũng như con dâu để tang cha mẹ chồng.
Tang phục khi vợ mất cũng như con rể để tang mẹ vợ.
Nếu người chồng còn cha hay còn mẹ thì lễ nghi không thay đổi nhưng không phải chống gậy vì chữ hiếu còn đó chưa trả xong.
Bài viết liên quan
- NHỮNG MỐC QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI MẤT Những mốc quan trọng của người mất Lễ phát dẫn (Lễ đưa tang) Ngày phát dẫn là ngày đưa tang. Con trai trưởng phải chống...
- Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng...
- Tâm linh – Phong tục tang lễ của người Việt Thật kỳ lạ, xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những cụ cao tuổi có...
- Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 năm 2021 đầy đủ, dễ nhớ Rằm tháng 7 là một trong hai ngày Rằm lớn trong năm của người Việt với ý nghĩa xá tội vong nhân và báo hiếu...
- Hướng dẫn cúng Ông Công Ông Táo đẩy đủ nhất 2022 Lễ cúng ông Công ông Táo về trời không cần phải tổ chức cầu kỳ nhưng cần phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được...
- PHẬT GIÁO, CÔNG GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN VỀ TANG LỄ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM Phật giáo công giáo và phong tục tập quán về tang lễ của người VN Phong tục tập quán của lễ tang xưa và nay...