Bí ẩn lễ hỏa thiêu của người Dao, Phượng Độ, Hà Giang
Người Dao áo dài (hay còn gọi là Dao chàm cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang) ngoài những phong tục dành cho sinh nở, sinh sống thì phong tục của lễ tang có nhiều điều riêng, nét đặc biệt nhất còn giữ được cho đến ngày nay là tục hỏa thiêu người quá cố.
Trang phục truyền thống của người Dao áo dài – Hà Giang
Đời một con người sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng nhất định sẽ chịu những quy ước của cộng đồng đó. Mỗi cộng đồng đều có những quy chuẩn nhất định cho việc sinh ra, lớn lên và thác về trong thời gian lâu dài, trải qua lịch sử để trở thành phong tục tập quán riêng, bản sắc của dân tộc mình.
Hầu hết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta đều có những nét riêng không lẫn với nhau. Một trong những cộng đồng người có nhiều nét phong tục tập quán độc đáo là người Dao áo dài hay còn gọi là Dao chàm cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài những phong tục dành cho sinh nở, sinh sống thì phong tục của lễ tang có nhiều điều riêng, nét đặc biệt nhất còn giữ được cho đến ngày nay là tục hỏa thiêu người quá cố.
Thầy cúng làm lễ trong đám tang của người Dao – Hà Giang
Lễ nhốt hồn – Lễ ma khô
Khi trong nhà có người qua đời, người thân thường đi mời thầy cúng về làm lễ nhốt hồn người đó tại bàn thờ nhà thầy. Hồn người quá cố sẽ cư ngụ ở đây cho đến khi gia đình làm lễ ma khô đưa lên bàn thờ thì mới được gia nhập hàng tổ tiên và trở về thế giới bên kia để sẵn sàng cho việc đầu thai sang kiếp khác.
Từ khi hồn thoát khỏi xác cho đến khi về thế giới tổ tiên vẫn có thể nhận biết những việc diễn ra trong gia đình và làng bản. Chính vì thế, khi làm lễ hỏa thiêu thầy sẽ làm phép ở ngoài bãi thiêu để hồn người chết nếu có qua chỗ đám thiêu thì không biết người nhà đang làm lễ hỏa thiêu phần xác của mình, mà nghĩ đấy là việc đối với con vật gì đấy mà thôi.
Trong thời gian làm đám tang, người Dao quan niệm hồn vẫn nhận biết được nên vẫn cúng cơm từng bữa để tiễn biệt người mất. Nhà táng dành cho người quá cố thật to, có thể đến ba tầng. Bởi nhà táng này sẽ là căn nhà dành cho người quá cố ở thế giới bên kia.
Mỗi con cháu, theo thứ tự đã quy định đều có mâm lễ cúng dành cho người đã mất. Mỗi lần dâng lễ, thầy cúng đều phải có phần cúng riêng dâng lên linh hồn người quá cố. Sau tất cả những lễ thức của một đám ma ở nhà thì thầy làm lễ tiễn người quá cố ra bãi để đi thiêu.
Mỗi bản thường có bãi thiêu riêng.
Ai được thiêu thì sẽ thiêu ở đó. Những người được thiêu là nam nhi đã được làm lễ cấp sắc, phụ nữ thì đã được ăn hỏi. Được cấp sắc và được ăn hỏi là những mốc đánh dấu sự trưởng thành của nam và nữ trong cộng đồng người Dao nên mới được thiêu. Nếu còn bé thì chỉ đem chôn trên những đồi cao.
Bãi thiêu thường là một ngọn đồi thấp, không xa bản lắm. Trước khi chất củi để thiêu, các thanh niên của làng sẽ đào một cái hố rộng khoảng ba mươi phân, sâu năm mươi phân, để sau khi đã lấy tượng trưng phần xương cho vào hũ đem chôn, phần còn lại sẽ vùi xuống cái hố đó, thành một nấm mộ nhỏ, rồi sau này mưa gió sẽ rửa trôi dần. Có thể những đám sau đó sẽ vẫn chất củi lên đúng chỗ đó để thiêu.
Củi để thiêu do mỗi nhà góp một cây bằng bắp đùi, nhà nào nhà ấy tự mang ra bãi thiêu, chất chồng lên nhau từng lớp từng lớp. Đám củi thiêu cao hơn đầu người, là vừa đủ để đặt quan tài lên chốc để bắt đầu một đám thiêu.
Có cộng đồng người Dao áo dài không quy định số tầng củi xếp lên nhau để thiêu. Song có cộng đồng lại quy định từng tầng củi dành cho người chết. Người càng có uy tín cao trong cộng đồng thì càng được thiêu bằng số tầng củi cao.
Những tầng củi được quy định thường là bảy tầng, chín tầng và mười hai tầng.
Thời gian thiêu từng đám tùy thuộc vào ngày, giờ do thầy cúng xem, sẽ là những ngày, giờ không trùng với ngày sinh, ngày cưới, giờ cưới của các thành viên trong gia đình. Khi đưa quan tài đi thiêu, tất cả các con cháu đều mỗi người có một bát gạo, tiền vàng và hương để vừa đi vừa vãi tiền vàng tiễn người quá cố. Đặc biệt là con trai của người mất sẽ có một mâm cơm tiễn cha hoặc mẹ. Các con cháu đồng loạt quỳ lạy cảm ơn thầy cúng đã giúp đỡ gia đình lo hậu sự cho cha mẹ và nhờ thầy hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng cho cha mẹ, rồi giao lại phần việc cho thầy cúng và các con cháu ra về.
Đàn bà, con gái không được có mặt ở đám thiêu
Điều đặc biệt ở đám hỏa thiêu của người Dao áo dài là đàn bà, con gái không được có mặt ở đám thiêu.
Khi lửa bắt đầu cháy thì con cháu và đàn bà con gái trong thôn phải về hết, trông nom đám thiêu chỉ có thầy cúng và đàn ông trong làng.
Thầy cúng bắt đầu bằng nghi lễ cúng cho người mất bữa cơm tiễn lên đường cuối cùng đối với phần xác. Vừa cúng vừa cất lời ca tiễn người lên đường sạch sẽ.
Đầu tiên quan tài sẽ được đặt ngửa, những thầy phụ sẽ mở nắp quan tài để người mất thấy trời đất lần cuối cùng và cũng là để những người dự đám thiêu được nhìn mặt người mất lần cuối.
Chỉ thầy cúng và đàn ông trong làng trông nom đám thiêu
Lễ chặn tuổi để người ấy không bắt theo ai
Người Dao quan niệm nếu người mất ở tuổi lẻ thì sẽ sinh tiếp đến tuổi chẵn. Số chẵn là số hết, số lẻ là số sinh. Cho nên có thể họ sẽ bắt theo một người trong họ hàng mà họ yêu quý đi theo. Như vậy sẽ có người sẽ phải chết. Vì vậy thầy phải làm lễ chặn tuổi để người ấy không bắt theo ai.
Tiếp đến, thầy cúng cả sẽ làm phép đốt tim người chết đầu tiên, ý là tiễn đi bắt đầu từ trái tim. Sau đó những người giúp việc sẽ lật úp quan tài xuống và bắt đầu châm lửa xung quanh đống củi.
Gia đình nhặt xương cốt người quá cố đi chôn cất
Một đám hỏa thiêu là niềm vui của mọi người, vinh dự cho gia đình
Người Dao coi việc hỏa thiêu người quá cố là một biện pháp sạch sẽ nhất dành cho người mất, vừa được sạch sẽ về môi trường vừa sạch sẽ cho tâm hồn. Cho nên một đám hỏa thiêu là niềm vui của mọi người. Là vinh dự cho gia đình.
Trong khi lửa cháy, mọi người sẽ nướng thịt, cá để ăn với phần xôi đã đem theo để cùng vui với người đã mất, để tạo không khí vui vẻ tiễn người ấy về thế giới bên kia.
Những người dự đám thiêu đều là đàn ông nên ăn cơm, rượu thịt vui vẻ ở bãi thiêu đến khi đám cháy gần hết thì ra về.
Thường thì đợi qua một đêm, đám lửa đã tàn hẳn, phần xác đã được đốt cháy hoàn toàn thì sáng hôm sau con cháu sẽ ra bãi hỏa thiêu để nhặt lại phần xương chưa cháy hết của người quá cố. Chỉ cần nhặt tượng trưng một chút, cho vào một chiếc hũ, rồi bít tro với xi măng hàn chặt miệng hũ lại rồi đem lên nương gần nhà để đắp thành một ngôi mộ khác.
Đây mới là mộ chính thức của người quá cố. Lúc này chỉ là căn mộ nhỏ. Hàng năm, ngày tết, ngày thanh minh người nhà đến mộ này để thắp hương để tưởng nhớ người đã khuất.
Trong khi con cháu bới tàn tro để nhặt xương thì sẽ tìm những đồ trang sức của người quá cố. Người Dao quan niệm, nếu con cháu nào tìm được đồ trang sức của người quá cố chứng tỏ ông bà hoặc cha mẹ yêu quý người đó nên để lại của cải cho người đó. Từ điều đó, cũng chứng tỏ rằng khi sống người ấy yêu quý người con cháu đó. Đây cũng là một điều chứng minh rằng người con, cháu đó sống tốt và cũng là nêu một tấm gương cho những người khác noi theo mà sống tốt với những người xung quanh.
Trong khi đám thiêu được tiến hành ngoài bãi thì ở nhà, một thầy cúng sẽ làm lễ cúng tổ tiên của gia đình báo cáo công việc đã xong và cầu phúc cho toàn thể gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt sau lễ tang.
Khi đã xong tất cả những lễ thức của đám tang, gia đình gia chủ sẽ làm một bữa cơm mời toàn thể những người đã giúp việc cho gia đình để cảm ơn. Từ đó cho đến khi làm lễ ma khô để đưa hồn người chết lên bàn thờ để đoàn tụ với tổ tiên và đầu thai sang kiếp khác thì gia đình không phải làm lễ cúng gì. Khi làm lễ ma khô thì gia đình mời đúng những thầy cúng đã giúp đám ma tươi để làm lễ.
Bài viết liên quan
- Cúng giao thừa là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa, cách cúng? Cúng giao thừa là một trong những nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của mỗi gia đình Việt. Gia đình...
- Mâm cúng Thanh minh 2022 tại nhà gồm những gì? Vào dịp Tết Thanh minh, người Việt Nam thường sắp xếp thời gian để dọn dẹp phần mộ của người đã khuất, hay còn gọi...
- MỘT VÀI DẪN LIỆU VÀ SUY NGHĨ VỀ VIỆC THỰC HIỆN HỎA TÁNG HIỆN NAY Giáo dục về Nhân – Quả theo quan điểm Phật giáo Theo số liệu của báo Tuổi trẻ cho hay, hiện nay nghĩa trang lớn...
- Người chết nên thiêu hay chôn Đức Phật và các vị Thánh Tăng ngày xưa đều hỏa táng, bởi hỏa táng rất sạch sẽ và văn minh. Còn địa táng thì...
- Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng...
- Phật giáo và vấn đề hỏa táng | Phần 2 Hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều hình thức mai táng khác nhau. Mỗi hình thức chọn lựa cho mình khi...