Chi phí hậu sự tăng cao mùa dịch COVID-19, nhiều gia đình khổ càng khổ hơn
TTO – Những ngày qua, Tuổi Trẻ Online liên tục nhận được những phản ảnh về chi phí lo tang lễ cho người dân mất thông thường và mất vì COVID-19 ‘leo thang’ quá cao.
Có người mất vì COVID-19, khổ càng khổ hơn
Có 3 người thân mất trong vòng 5 ngày gồm cha mẹ và chị gái ruột, ông Nguyễn Tường Quý (51 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) vẫn còn nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện.
Khi mẹ và chị gái mất, gia đình đã lo chi phí hậu sự cho mỗi trường hợp khoảng 25 triệu đồng. Đến khi cha ông Quý mất vào ngày 5-8 thì gia đình đã gần như kiệt quệ, không thể lo được nên đành cầu cứu các tổ chức thiện nguyện.
Còn chị Võ Thị Kim (ngụ quận Bình Tân) có bạn là chị Hồ Thị Ngoan vừa mất vì COVID-19 cho biết gia đình chị Ngoan rất khó khăn. Sau khi chị Ngoan mất, cơ sở mai táng báo chi phí lên đến 25 triệu, số tiền này vượt quá khả năng của gia đình.
Chị Kim cho biết hiện tại tro cốt chị Ngoan vẫn chưa được nhận và cũng không biết gia đình phải lo số tiền hậu sự ra sao.
Từ những câu chuyện trên, trong vai có người quen mắc bệnh mãn tính đang hấp hối, phóng viên liên hệ một số cơ sở mai táng để tìm hiểu về vấn đề này. Một cơ sở mai táng tại quận Gò Vấp nghe máy và hỏi dồn “người nhà anh mất vì gì, bệnh thường hay COVD-19, nhà ở đâu?”.
Sau khi nắm thông tin là mất vì bệnh thường, người này tiếp tục hỏi gia đình muốn đưa đi liền hay để lại làm đám tang, nếu muốn đem đi hỏa táng liền thì chỉ cho một người thân đi cùng, không được đi nhiều.
“Bữa nay mất thì giá dịch vụ cao đó nha, do công nhân nghỉ hết rồi, nếu đem thiêu thì toàn bộ chi phí khoảng 40 triệu đồng (bao gồm hòm, khâm liệm, các chi phí khác và giá hỏa táng – PV), chi phí này không phát sinh nữa. Còn lúc anh em khâm liệm gia đình có bồi dưỡng thì bồi dưỡng.
Trước đây mất thông thường thì chi phí tầm 30 triệu hoặc hơn chút, do dịch nên giá hòm lên, lò thiêu cũng lên, xe lên, công nhân cũng lên mà vẫn không có người làm nên chi phí đội lên”, người này nói.
Cũng theo người này, người mất vì COVID-19 “là hơi mệt đó”. Gia đình phải kêu y tế phường tới test, liệm xong phải chờ tại lò thiêu và chờ rất lâu vì khoảng 1,5 giờ mới thiêu xong 1 ca mà thời gian này nhiều trường hợp đợi.
Chi phí trọn gói cho người mất vì COVID-19 thì mắc hơn khoảng 2 triệu. Người mất bình thường thì hôm nay thiêu mai có cốt cho gia đình mang về thờ tự, người mắc vì COVID-19 thì 4 ngày sau chưa chắc đã có.
Tiếp tục liên hệ một cơ sở mai táng tại quận Tân Phú, chủ cơ sở này cho biết đã hết nhiên liệu, nhân công xe cộ cũng không điều được nên chịu khó nhờ cơ sở khác. Một cơ sở khác tại quận 12 khi nghe phóng viên báo có người nhà mất vì COVID-19 thì đã từ chối ngay, cho biết không nhận dù theo tìm hiểu cơ sở mai táng này là một trong những cơ sở nằm trong danh sách Sở Y tế TP cung cấp.
Tiếp tục liên hệ một cơ sở mai táng tại quận 7, chủ cơ sở này nói “hết rồi, hết rồi, không nhận nữa”. Khi phóng viên nói có hai ca, một ca mất thường, một ca mất vì COVID-19 rất cần giúp đỡ thì người này hỏi ở đâu.
Sau đó người này cho biết nếu mất vì COVID-19 thì nay nhận mai mới thiêu được. Chi phí toàn bộ 35-40 triệu đồng và thiêu thì chưa biết bao giờ lấy được cốt, không dám hứa.
Người nghèo mất do COVID-19 được TP lo
Thông tin trên được ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM – khẳng định tại cuộc họp về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 5-8.
Theo đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người nghèo không may qua đời vì mắc COVID-19. Ngân sách TP.HCM sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí từ giai đoạn đưa thi thể người bệnh từ bệnh viện đến nơi hỏa táng và đảm bảo hết toàn bộ chi phí cho người này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, hiện nay 16 lò hỏa táng tại Bình Hưng Hòa do Công ty Môi trường đô thị phụ trách đang ưu tiên để hỏa táng người mất vì COVID-19.
Số ca mất vì nguyên nhân thông thường sẽ được chuyển về khu vực nghĩa trang Đa Phước để hỏa táng. Tránh trường hợp xe cứu thương ùn ứ gây hoang mang cho người dân, hiện tại phía cơ quan chức năng đã phối hợp với các bệnh viện điều tiết xe từ xa.
Ngoài ra, một số ca mất thông thường sẽ được chuyển về các cơ sở hỏa táng còn lại trên địa bàn thành phố để hỏa táng.
Bài viết liên quan
- Những điều kiêng kỵ khi bốc bát hương mà ai cũng cần nhớ Phong tục bốc bát hương trong thờ cúng tôn giáo của người Việt Nam là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự tôn kính...
- Chuẩn hóa’ lưu giữ tro cốt Chuẩn hóa’ lưu giữ tro cốt – Xu hướng hỏa táng ngày càng tăng, các cơ sở tôn giáo có nhận gửi tro cốt đang...
- Tổng Công ty CP Hợp Lực tổ chức Lễ cầu siêu – Vu lan báo hiếu Chiều ngày 3/8 Tổng Công ty CP Hợp Lực (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ cầu siêu – Vu lan báo hiếu tại Phúc Lạc...
- Mâm cúng cô hồn tháng 7 cần chuẩn bị những gì? Theo truyền thống dân gian, cứ vào tháng 7 âm lịch, người Việt thường tổ chức lễ cúng cô hồn. Cúng cô hồn tức là...
- Nơi gửi gắm linh hồn trong những ngôi chùa Khmer Tục hỏa táng tại chùa là nghi thức tang ma truyền thống đối với phật tử theo Phật giáo Nam tông. Tại Việt Nam, việc...
- Quy định xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế Ngày 28/5/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND về Quy định xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa...