Những điều quan trọng cần chú ý về tỉa chân nhang và bao sái bát hương

Theo phong tục người Việt, các gia đình thường tỉa chân nhang và bao sái bát hương sau khi tiễn ông Công ông Táo về Trời.

Bên cạnh đó, có rất nhiều điều kiêng kỵ khi tỉa chân nhang và bao sái bát hương như: không được xê dịch bát hương, con gái không được tỉa chân nhang, để lại càng nhiều chân nhang thì sẽ được nhiều phước…

Vậy đạo Phật quan niệm thế nào về vấn đề trên? Tỉa chân nhang và bao sái bát hương thế nào là đúng Pháp? Kính mời quý Phật tử đón đọc bài viết dưới đây qua chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Nhiều người sợ không dám động vào chân nhang, nên để chân nhang lùm xùm bốc cháy rất nguy hiểm

Tỉa chân nhang khi nào?
Từ xa xưa, người Việt không chỉ thờ cúng chư Phật, Thần Linh, tổ tiên mà còn thờ các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước. Bởi, thờ cúng trong tâm thức người Việt là việc làm rất linh thiêng, cao quý và vì thế nên tỉa chân nhang, bao sái bát hương trên bàn thờ cũng rất được coi trọng.

1. Theo quan niệm dân gian

Ông cha ta quan niệm vào những ngày thường sẽ không được động vào chân nhang, phải đến ngày ông Công ông Táo đi chầu Trời thì gia đình mới được tỉa. Bởi, họ cho rằng bát hương là cái gì đó rất linh thiêng và đáng sợ.

Việc tỉa chân nhang và bao sái bát hương có thể làm hằng ngày để giữ cho bàn thờ luôn được trang nghiêm, thanh tịnh

2. Theo quan niệm của nhà Phật

Theo góc nhìn của đạo Phật thì bát hương là nơi để người trần kết nối với thế giới tâm linh nên rất cần lau dọn sạch sẽ và giữ gìn thanh tịnh. Tại các gia đình, bàn thờ gia tiên thường đặt cao hơn so với người đang đứng để người sống tỏ lòng tôn kính với người đã khuất. Bên cạnh đó, bàn thờ càng gọn gàng, ngăn nắp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bởi người đã khuất cũng như người sống, không ai thích tới những chỗ không sạch sẽ, luộm thuộm.

Hơn thế, nếu chân nhang đầy thì rất dễ cháy, gây ra hỏa hoạn. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể tỉa chân nhang trong bát hương hàng ngày, có thể lau chùi, xê dịch bát hương và sau đó đặt lại trên bàn thờ bình thường, không cần đợi đến ngày ông Công ông Táo.

Đối với đệ tử Phật, chúng ta có thể tỉa hết chân nhang và để lại ba cây nhang. Bởi ba cây nhang tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (hay còn gọi là Tam Bảo). Còn đối với người tại gia có thể để lại năm chân nhang, thể hiện ngũ phúc, tượng trưng cho năm điều phúc lành hoặc là huyết thống năm đời.

Cách xử lý tro và chân nhang sau khi được bao sái
Theo giới luật nhà Phật, đối với những việc liên quan đến bàn thờ, những đồ lễ cúng như hoa trái, dù héo tàn cũng không được vứt vào nơi bẩn. Bởi những thứ ấy vừa được đặt nghiêm trang trên bàn thờ mà liền vứt vào nơi không sạch sẽ thể hiện sự không lành thiện, không cung kính.

Chúng ta nên lưu ý rằng đối với những vật đặt trên bàn thờ như bông hoa, trái quả,…, khi chúng ta bỏ đi thì nên để vào nơi sạch sẽ như bồn hoa, gốc cây. Còn đối với chân nhang sau khi tỉa xong, ta có thể đem đốt, hóa lấy tro và bón vào gốc cây; hay tro trong bát hương nếu thờ lâu và đầy thì nên bỏ bớt tro cũ hoặc thay tro mới.

Phụ nữ có được tỉa chân nhang và bao sái bát hương?
Trong dân gian có lưu truyền quan niệm con gái không được động chạm vào bát hương hoặc tỉa chân nhang vì như vậy sẽ khiến gia đình gặp xui xẻo.

Nhưng theo quan điểm đạo Phật, việc con gái cúng lễ hay lau chùi bát hương, tỉa chân nhang là hoàn toàn bình thường. Kể cả người phụ nữ đến ngày kinh nguyệt vẫn có thể thắp hương, đi chùa, miễn họ giữ vệ sinh sạch sẽ ở nơi thân thể là được. Bởi, đó là chuyện tâm sinh lý bình thường của con người và không có tội lỗi.

Từ những lời giảng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu được việc tỉa chân nhang và bao sái bát hương có thể làm hằng ngày chứ không cần đợi đến ngày ông Công ông Táo về Trời. Điều đó sẽ giúp bàn thờ luôn được trang nghiêm, thanh tịnh và sạch sẽ.

Mong rằng qua bài viết, quý Phật tử có chính kiến đúng đắn trong việc thờ phụng để được lợi ích trên bước đường học Phật của mình.

Bài viết liên quan

Liên hệ