Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về vận động thực hiện văn minh trong việc tang
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 176/VPCPQHĐP ngày 10/01/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh, hiện nay nhà nước đang vận động thực hiện văn minh trong việc tang, trong đó khuyến khích người dân thực hiện hỏa táng để đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí xây dựng mồ mả, đồng thời giữ được quỹ đất dành cho phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều địa phương chưa vận động, thực hiện tốt vấn đề này; gần đây còn xuất hiện nhiều trường hợp sau khi mất đi, người thân lại xây dựng lăng mộ hoành tráng, với diện tích đất rất lớn, gây lãng phí tài nguyên đất. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, ban hành quy định thống nhất thực hiện văn minh trong việc tang, cụ thể như: việc tang ma được tổ chức trong vòng bao nhiêu ngày; mỗi phần mộ tối đa được xây dựng bao nhiêu m2 đất; chế tài xử lý nếu vi phạm. Đồng thời, đề nghị đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước phải tiên phong trong thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để người dân noi theo (nội dung số 67).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường theo Công văn số 658/BVHTTDL-VP ngày 28/02/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV như sau:
Ngày 26/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, Khoản 3 Điều 65 quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; quy định chính sách khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang”. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về đẩy mhóa trong tổ chức việc cưới, việc tang. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 21/12/2021 quy định vệ sinh mai táng, hoả táng. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 04/2011/TTBVHTTDL ngày 21/01/2011 hướng dẫn về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã rà soát các mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả, trong đó có các mô hình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ tang, đồng thời gửi hướng dẫn mô hình trong xây dựng môi trường văn hoá cơ sở tới các địa phương để áp dụng, nhân rộng. Ngày 21/9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, lễ tang (tờ trình số 271/TTr-BVHTTDL, dự kiến Chính phủ ban hành trong năm 2023).
Đối với việc thực hiện hỏa táng, mai táng, ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện hỏa táng và quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng trên địa bàn. Đến nay đã có khoảng 30 địa phương xây dựng các cơ sở hỏa táng với khoảng 140 lò được lắp đặt (không bao gồm các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên, trong đó riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 02 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng cao nhất (trên 70%). Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng để đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các cơ chế, chính sách pháp luật mới được ban hành.
Về quy định diện tích phần mộ, Điều 4 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã quy định diện tích đất tối đa cho phần mộ cá nhân, cụ thể là không quá 05m2 cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần, không quá 3m2 cho mỗi phần mộ cát táng. Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD – Các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình nghĩa trang cũng đã quy định về tỷ lệ diện tích đất mai táng trong nghĩa trang và diện tích đất mai táng tối đa đối với mỗi phần mộ cá nhân. Ngoài ra, còn quy định về các công trình hỏa táng, công trình lưu tro cốt và kích thước tối đa cho ô để tro cốt sau hỏa táng. Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng để tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi những bất cập trong các quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Đồng thời, tại Điều 162 của Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định về chế độ sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, trong đó giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất. Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV. Đến thời điểm này, Dự án Luật đang được lấy ý kiến Nhân dân theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ; trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về chế độ quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa như sau:
“Điều 205. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng
1. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng xa khu dân cư, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất.
2. Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định sau đây: a) Giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; b) Cho thuê đất để dự án xây dựng nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức đất, chế độ quản lý việc xây dựng trong nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất.”
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.
Bài viết liên quan
- PHẬT GIÁO, CÔNG GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN VỀ TANG LỄ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM Phật giáo công giáo và phong tục tập quán về tang lễ của người VN Phong tục tập quán của lễ tang xưa và nay...
- Hũ cốt và những điều cần biết? Giải đáp tâm linh 2023 Có rất nhiều những nghi lễ liên quan đến tâm linh và người đã mất. Không chỉ tổ chức tang lễ cho người đã khuất...
- Công nghệ thủy táng là gì và có ý nghĩa như thế nào? Thủy táng là một trong những hình thức mai táng hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, vẫn không ít người còn khá xa lạ...
- Những điều kiêng kỵ khi bốc bát hương mà ai cũng cần nhớ Phong tục bốc bát hương trong thờ cúng tôn giáo của người Việt Nam là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự tôn kính...
- Sang cát, sửa mộ phần cuối năm sao cho đúng: Những đồn thổi sai lầm về hỏa táng Hỏa táng đang ngày càng được khuyến khích, nhưng nhiều gia đình vẫn đắn đo muốn an táng cho người thân vì sợ người chết...
- Trang nghiêm lễ hỏa táng Đức Quốc vương Thái Lan Vào lúc 18 giờ hôm thứ Năm, ngày 26/10//2017, đức Quốc vương Rama X Maha Vajiralongkorn cùng Hoàng gia và công chúa Maha Chakri Sirindhorn...