NHỮNG TỤC LỆ CẦN GIỮ KHI QUANG XÁC VÀ HIỆN TƯỢNG QUỶ NHẬP TRÀNG
Những tục lệ cần giữ khi quang xác và hiện tượng quỷ nhập tràng
Những Tục Lệ Cần Giữ Khi Quàng Xác?
-Tại sao có tục đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng đôi đũa trên bát cơm, cài quả trứng vào giữa hai chiếc đũa rồi thắp hương đặt lên trên đầu người chết suốt trong thời gian chưa nhập quan?
-Tại sao người ta cắm một cái cọc bằng kim loại suốt chân giường người chết?
-Tại sao khi chưa nhập quan, người ta luôn luôn thắp hương nến (nếu không có nến thì thắp ngọn đèn dầu) cho đến khi hạ huyệt không để tắt hương đèn?
-Tại sao hai bên hương án, phía gần kề áo quan, người ta đặt hai cây chuối con?
-Tại sao có tục dựng bó đuốc to ở giữa sân vào ban đêm trước lễ an táng (nếu để qua đêm), con cháu và thân nhân túc trực quanh linh cữu (lễ “Chúc thực” ban đêm, nghĩa là “lễ trồng bó đuốc”?)
-Tại sao có tục kiêng ngăn người nhà không được đứng cạnh thi hài mà khóc, tránh nhỏ nước mắt vào thi hài?
– Tại sao sau lễ nhập quan phải đốt lỗ hung (lỗ đào ở chính giữa giường người mới chết nằm khi chưa nhập quan. Chất đốt có thể dùng trấu, than, củi hoặc giẻ rách…).
-Tại sao lễ tang là việc buồn lại đốt pháo? (Tục này chỉ có ở thành phố đối với người già).
-Tại sao phải nhốt mèo khi nhà có người mới chết ?
-Tại sao khi người chết trong nhà, người ta phải trèo lên mái nhà dỡ một vài viên ngói, hoặc lá tranh (đối với nhà bịt nóc và ít cửa)?
Những câu hỏi trên cùng có chung một câu trả lời: Đó là kinh nghiệm dân gian,dùng phép thuật điều hoà khí âm dương, thu hút tà khí để phòng chống hơi lạnh và phòng xa hiện tượng “Quỷ nhập tràng”. Xuất phát từ kinh nghiệm, dần dần bắt trước nhau trở thành phong tục.
Dùng khói lửa, ánh sáng mặt trời (đốt hương, nến, đèn, đuốc, than, trấu, dỡ mái nhà, mở rộng cửa, đào lỗ hung, đốt pháo…) để triệt tiêu hơi lạnh. Dùng bát cơm, quả trứng, cây chuối… để thu hút hơi lạnh (nếu bổ đôi quả trứng, có nhiều lòng đỏ đã trở nên xanh thẫm giống như những quả trứng dùng để đánh gió.). Nhốt mèo để đề phòng mèo nhảy qua xác chết, kiêng khóc nhỏ nước mắt vào thi hài hoặc cắm cọc kim loại dưới giường người chết, dỡ mái nhà… là những thuật triệt tiêu luồng điện âm dương hút nhau.
Ngoài ra, những người đến dự lễ tang, nhất dự khâm liệm còn có những thuật khác để phòng chống hơi lạnh như ngậm gừng sống, uống nước lá nhót, ăn trầu và xông khói vỏ bưởi, bồ kết trước và sau khi đến lễ tang.
Hiện tượng quỷ nhập tràng
Đó là hiện tượng xác chết tự nhiên bật dậy. Hiện tượng này rất hiếm nhưng đã xảy ra, do đó trong phong tục đã có sự kiêng cự để phòng xa, gọi là “Quỉ nhập tràng” nhưng thực ra không có ma quỷ nào nhập vào xác chết. Nguyên nhân: Do điện âm tích tụ trong thi thể người mới chết chưa kịp thoát ra hết, gặp phải luồng điện dương cực mạnh cuốn hút.
Xác chết tự nhiên bật dậy là do sự cuốn hút bởi một ngoại lực có cảm ứng điện trường. Vì vậy theo quan niệm dân gian, khi trong nhà có người mới chết kiêng cự nhất là không để cho con mèo bất thần nhảy qua xác chết (người ta phải canh giữ, phải nhốt mèo lại). Đã có trường hợp, chén rượu hắt văng vào xác chết, giọt nước mắt có hơi ấm nhỏ vào xác chết cũng tạo thành luồng khí, có thể cuốn hút xác chết bật dậy nhưng ngã xuống ngay tức thì. Hiện tượng xác chết đuổi theo người sống: Xác chết không thể bước đi được mà do hơi nóng của người sống cuốn hút, hoặc trường hợp có luồng không khí đối lưu cân bằng khi xác chết ở tư thế đứng song song với người sống. Việc dỡ ngói hay tranh trên mái nhà để ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào cũng nhằm triệt tiêu hiện tượng cuốn hút đó.
Lễ ba ngày (lễ tế ngu) tính từ sau khi mất hay sau khi chôn cất?
Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Xét trong điển lễ thì không có “lễ ba ngày” mà chỉ có “lễ tế ngu” gồm có “sơ ngu”, “tái ngu”, “tam ngu”. “ngu” nghĩa là “yên”, tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách, theo “Thọ mai gia lễ” thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ , tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu. Phan Kế Bính cũng dẫn giải như trên.
Dần dần về sau người ta giảm lược, kiêm cả ba lễ luôn, chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày. Vậy là tính ba ngày từ sau khi chôn, theo tục gọi là lễ mở cửa mả. Ngày đó con cháu ra sửa lại mồ mả, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước… Ngu là tế ngu, tế chỉ tế người chết, tế thần. Theo phong tục cũ thì ít khi chết xong chôn ngay, thường còn để năm bảy ngày trong nhà. Khi chưa chôn làm lễ triêu tịch điện, tức cúng cơm hàng ngày vẫn theo lễ thờ người sống. Vậy tế ngu phải tính từ sau khi chôn.
Còn có một lập luận khác: Có ba điều không yên khiến phải làm lễ tế ngu:
-Đang sống hoạt động nay mọi hoạt động bỗng nhiên đình chỉ.
-Đang nhìn thấy bóng dáng, khi đã nhập quan không nhìn thấy bóng dáng nữa.
-Đang ở trên dương thế, nay xác về cõi âm, hồn vất vưởng lìa khỏi xác. Âm dương hoàn toàn cách biệt từ sau lễ thành phần. Sơ ngu, tái ngu, tam ngu là tế để làm cho yên hồn phách, vậy phải tế sau khi mất, sau khi lễ nhập quan và sau khi lễ thành phần xong.
Thời này cũng có trường hợp sau khi chết 4-5 ngày còn để trong nhà lạnh chưa chôn nên không thể làm lễ ba ngày trước lễ an táng.
Tại sao có lễ cúng cơm trong 100 ngày?
Gia đình Việt Nam nhà nào cũng vậy, mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất. Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm một lúc cho vui vẻ, đầm ấm. Con cháu cầm bát cơm lên, trước hết mời ông bà, cha mẹ, chờ ông bà, cha mẹ rồi mới bắt đầu mới dám ăn. Có nơi xới bát cơm lần thứ hai còn mời nữa. Nếu có khách, trước khi buông bát đũa đứng dậycòn phải xin phép và mời khách tiếp tục xơi cơm. Cuộc sống gia đình đang vui vẻ, êm đẹp như vậy, vắng mặt trong bữa cơm còn nhắc, huống chi vĩnh viễn đi xa. Do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ đấy, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong. Thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong cũng rót chén nước.
Thờ cúng vong linh cũng giống như đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.
Nhưng tại sao lại cúng 100 ngày?
– Cũng tuỳ địa phương, có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức là lễ chung thất). Theo thuyết của Phật giáo: qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty(tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.
Chúng tôi cho rằng, phong tục này có căn cứ khoa học: Theo thuyết Thần giao cách cảm, ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách xa nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường. Người ta bảo chết là hết. Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm chí người sống. Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị huỷ, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng âm hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát.
Làm lễ chung thất (49 ngày) và tốt khốc (100 ngày), có phải chọn ngày không?
Theo “Thọ mai gia lễ”, thì cứ đúng ngày quy định trong gia lễ mà làm, không có sự chuyển dịch tuỳ tiện theo lời thầy lễ hay thầy bói nào cả. Chỉ trừ ngày làm lễ an táng và ngày làm lễ trừ phục (hết tang) trong gia lễ có ghi chọn ngày lành. Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vậy nên từ xưa tới nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có những năm, ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần.v.v… theo gia lễ: Lễ chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Đại tường cứ theo đúng ngày mà làm lễ.
Con cháu ở xa nhớ ngày về làm lễ, thân nhân ở chỗ khác sắm sửa lễ đúng ngày tới dự, chẳng lẽ đến nơi thấy hương lạnh khói tàn, gạt nước mắt lủi thủi ra về hay sao? người chủ sự báo lại rằng: theo lời thầy lễ đã lễ xong xuôi đâu đấy rồi, hoặc đợi thêm và ngày nữa, được chăng? Xin lưu ý tang tế theo ngày định sẵn, thân bằng, cố hữu ai lưu luyến đến thăm viếng, không đợi thiệp mời như lễ mừng, lễ cưới, không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (mời thì đến, không thì thôi).
Bài viết liên quan
- Người chết báo mộng có đúng không? Tâm linh 2023 Thế giới tâm linh với vô vàn những điều kỳ bí mà chúng ta không thể lý giải hay giải đáp một cách cặn kẽ....
- Văn khấn chuẩn đón ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết vào ngày 29 Văn khấn là bước không thể thiếu khi cúng tổ tiên ngày 29 với mong ước ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng...
- Hỏa táng có ảnh hưởng đến con cháu hiện tại không ? Hỏa táng có ảnh hưởng đến con cháu hiện tại không. Rất nhiều người đang tò mò muốn tìm được câu trả lời thỏa đáng...
- Những nghi lễ cúng tuần cho người mới mất Nghi lễ cúng tuần là nghi lễ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là một trong những nghi lễ quan trọng khi...
- Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, giờ nào thì tốt? Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, giờ nào thì tốt? Rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng của người Việt. Đây là ngày...
- Ngọc xá lợi dưới góc nhìn khoa học Ngọc xá lợi là phần di thể của các vị cao tăng Phật giáo sau hỏa táng. Đó là những hạt kích thước nhỏ, có...