Bồ tát Quảng Đức – Ngọn đèn bất tận
Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), hay còn được tôn xưng là “Bồ-tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân”. Chính sách kỳ thị tôn giáo vào những năm tháng đó, mang đến không biết bao là sự đau thương, khổ ải cho những Phật tử vô tội.
Những biến cố Phật giáo năm 1963 – không phát xuất một cách có chủ ý từ lòng sân hận, hay tâm ý thù hằn của đạo Phật. Hành động tự thiêu của Ngài được thực hiện với thông điệp kêu gọi hòa bình, chấm dứt đàn áp với Phật giáo. Những điều đó chỉ hy vọng sao mang đến sự giác ngộ cho những con người mê lầm trong ác nghiệp của sự kỳ thị, và bất bình đẳng. Trong bức thư “Lời Nguyện Tâm Huyết”, Ngài viết:
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận, Gia Định.
Nhận thấy phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:
1- Mong ơn Phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản Tuyên ngôn.
2- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
3- Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức,Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.
4- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp.” [1]
Theo Bồ-tát hạnh, người Phật tử không bao giờ cho phép mình được tức giận vì những hành động của chúng sinh (thế nhân và tất cả mọi dạng sống khác). Dù cho hành động đó có làm cho vị Bồ-tát đó thống khổ đến khốn cùng trên cả thân lẫn tâm, thì vị Bồ-tát đó cũng sẽ không tức giận hay nung nấu bất kỳ một ý định trả thù dù vô cùng nhỏ. Kinh Ma-ha-bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Chánh 7 viết:
“Bồ-tát, một bậc đại sĩ, để giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ của luân hồi, sẽ không nhượng bộ những ý nghĩ sân hận. Ngay cả khi thường xuyên bị xúc phạm, vu khống, tra tấn và quở trách, phải chịu đựng những nỗi đau dữ dội, vị ấy cũng không bao giờ cho phép một ý niệm thù hận dù là nhỏ nhất xuất hiện trong tâm. Thậm chí, nếu bị đánh bằng gậy, hay bị đập bằng đá, cho dù thân thể bị chặt thành nhiều mảnh và các chi bị xé nát thì vị ấy cũng sẽ không bao giờ cho phép một ý niệm bất thiện dù là nhỏ nhất xuất hiện trong tâm. Tại sao như vậy? Đó là bởi vì Bồ-tát, một bậc đại sĩ, cảm nhận mọi âm thanh giống như một tiếng vang trong thung lũng và nhận thức mọi hình dáng giống như một khối bọt. Do vậy, không có lý do gì để vị ấy cho phép sự giận dữ xuất hiện và làm giảm đi những phẩm chất thiện của mình.” [2]
Hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự nguyện thiêu thân cúng dường Chánh pháp.
Mỗi Phật tử dù tại gia hay xuất gia, có thể đã thọ hay chưa thọ Bồ-tát giới luôn mang trong tâm mình tôn chỉ của Phật giáo đó là: ngày ngày trao dồi, phát triển tứ vô lượng tâm – từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng. Nói một cách khác, đó là việc thường xuyên và liên tục nuôi dưỡng và thực hành tình yêu thương, lòng tha thứ, sự bao dung, và lòng thấu cảm tất cả nỗi đau, tình cảnh khốn cùng… của mọi chúng sinh – không chỉ con người mà còn là những loài thú vật và mọi sự sống khác trong tự nhiên. Bồ-tát sẽ luôn thấu cảm, khoan dung, thương yêu, và tha thứ cho một chúng sinh đang làm cho vị Bồ-tát đó đau khổ bởi vì Bồ-tát luôn hiểu rằng bởi vì chúng sinh đó thật sự đang ở trong hoàn cảnh khổ ải và chưa thể giải quyết được. Và vị Bồ-tát sẽ phát khởi tâm Bồ-đề (Bodhi-citta) giúp đỡ chúng sinh đó. Đây là đạo lộ để hướng tới việc thành tựu viên mãn của một Bồ-tát, xa hơn nữa là hướng tới giác ngộ và giải thoát hoàn toàn của quả vị Phật. Kinh Ma-ha-bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Chánh 7 viết:
“Chúng sinh trên thế gian, với tâm điên đảo, đang chìm đắm trong đại dương luân hồi (S. saṃsāra), không lối thoát. Nếu ta không tu dưỡng sự khéo léo trong các phương tiện và đức hạnh tuyệt hảo, ta sẽ không thể giải cứu chúng khỏi đau khổ của luân hồi. Do đó, ta nên nỗ lực tu dưỡng sự khéo léo trong các phương tiện và đức hạnh tuyệt hảo để giúp đỡ những chúng sinh ấy và tu dưỡng sự toàn thiện – từ sự toàn thiện của lòng quảng đại đến sự toàn thiện của trí tuệ – để thành tựu giác ngộ vô thượng viên mãn và giải cứu chúng sinh đau khổ của luân hồi” [3]
Con người như những chúng sinh hữu tình khác; tham sống sợ chết, ham thích điều quen thuộc và dễ chịu – né tránh những điều bất hạnh và khổ đau. Nhưng, sự mong ước của con người vượt khỏi những sự tầm thường đó của một loài động vật, dù nhỏ bé nhất, thì đó vẫn sẽ là những điều thiêng liêng và cao quý nhất. Bởi, ngoài sự tôn trọng một cách phổ quát vì chúng sinh đó là một chúng sinh và chúng sinh hữu tình đó lại là một con người, thì con người đó xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được tán thán, xứng đáng được tôn quý… bởi vì hành động thanh tịnh của người đó ở thân, khẩu và ý. Hành động đó vượt khỏi sự tầm thường, nó đưa tới một đời sống đáng ngưỡng mộ – do nó được bao bọc bởi thành trì phạm hạnh. Và hạnh nguyện thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Bồ-tát Thích Quảng Đức là một trong những biểu trưng cho phạm hạnh tôn quý của một con người đang trên đạo lộ Bồ-tát; nó cũng là tinh thần bất bạo động và chống chiến tranh của Phật giáo. Điều đó xứng đáng để tán thán và trân quý!
Ngài Thích Quảng Đức thiêu thân là vì lòng yêu thương chúng sinh vô hạn, cùng sự thấu cảm của Ngài đối với tất cả những con người đang sống trong cảnh khổ. Ngài không thể không làm gì khi giáo pháp Như Lai đang đi tới bờ vực suy vong… Bởi từ nhiều nguyên nhân như vậy, người dân và nhiều Phật tử quý mến, kính nể đức hạnh và hạnh nguyện Bồ-tát của Ngài. Nên việc tôn xưng Ngài là Bồ-tát Thích Quảng Đức cũng là điều phù hợp với giáo pháp Như Lai và tình cảm của những người dân Việt Nam kính mến Ngài. Nếu xem mỗi bậc Thánh giác ngộ – với tình yêu thương vô hạn là một Đại Bồ-tát và theo Duy-ma-cật sở thuyết kinh (Vimalakīrti Nirdeśa Sūtra), thì mỗi Ngài biểu trưng cho một “ngọn đèn bất tận”. Thì bậc Đại sĩ ấy của chúng ta là một trong nhiều “ngọn đèn bất tận”; luôn luôn giữ vững tâm Bồ-đề, không quảng ngại mệt mỏi, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng chính mình để thắp sáng những ngọn đèn trí tuệ và giải thoát khác của mọi chúng sinh.
Bài viết liên quan
- Người đã mất nên hỏa táng hay chôn cất Hỏa táng hay chôn cất người đã mất hiện nay vẫn còn là câu hỏi khiến nhiều người phân vân. Về nhân sinh quan, con...
- Những điều quan trọng cần chú ý về tỉa chân nhang và bao sái bát hương Theo phong tục người Việt, các gia đình thường tỉa chân nhang và bao sái bát hương sau khi tiễn ông Công ông Táo về...
- Đi viếng đám tang nên chọn trang phục như thế nào Đi viếng đám tang của người thân hay người quen biết cũng cần phải nghiêm túc, biểu lộ cảm xúc đau buồn cùng với gia...
- Văn khấn chuẩn đón ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết vào ngày 29 Văn khấn là bước không thể thiếu khi cúng tổ tiên ngày 29 với mong ước ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng...
- Theo chân những người làm nghề hỏa táng Đây là một nghề cực nhọc, hiểm nguy và độc hại nhưng lại thấm đượm tình người, có ý nghĩa đối với phong tục tập...
- 17 Điều cần tránh khi Nhà có Tang Gia đình có người mất ngoài việc thương sót thì họ còn rất bối rối không biết phải làm và không được làm gì để...