MỘT VÀI DẪN LIỆU VÀ SUY NGHĨ VỀ VIỆC THỰC HIỆN HỎA TÁNG HIỆN NAY
Giáo dục về Nhân – Quả theo quan điểm Phật giáo
Theo số liệu của báo Tuổi trẻ cho hay, hiện nay nghĩa trang lớn nhất Hà Nội là Văn Điển đã đóng cửa vì không còn đất phục vụ mai táng. Nhiều nghĩa trang xa trung tâm thành phố như nghĩa trang Thanh Tước huyện (Mê Linh), nghĩa trang Yên Kỳ huyện (Ba Vì) cũng báo động “hết đất địa táng”. Các Tp.HCM, Tp. Đà Nẵng, Hải Phòng…cũng là những thành phố lớn hiện nay tình trạng các nghĩa trang trung tâm cũng không còn nhiều đất để an táng theo cách truyền thống.
Xuất phát từ tình trạng thiếu quỹ đất an táng trầm trọng. Tp.HCM (3/10/2015) đã phê duyệt kế hoạch triển khai đề án khuyến khích hình thức hỏa táng và cho rằng hỏa táng là hình thức văn minh, hạn chế ô nhiễm môi trường đã được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng hình thức hỏa táng từ lâu. Từ thực tế này, Tp.HCM đã tuyên truyền và có chính sách cụ thể khuyến khích người dân nên những năm gần đây, tỷ lệ người dân ở đây sử dụng hình thức hỏa táng ngày một tăng lên.
Tp. Hà Nội – từ năm 2010 – UBND thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng với các nhóm đối tượng từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng với thi hài người hỏa táng. Ngoài ra còn hỗ trợ chi phí vận chuyển 500 nghìn đồng đối với trường hợp ở nội thành và 1 triệu đối với trường hợp ngoại thành (thời hạn hỗ trợ hỏa táng thực hiện 3 năm (2010-2012).
Tp. Đà Nẵng, hình thức hỏa táng bắt đầu xuất hiện năm 2009, từ đó đến nay người dân cũng đã dần dần làm quen với hình thức hỏa táng, nhưng con số tăng nhẹ không đáng kể. Năm 2016 toàn thành phố chỉ có 215 trường hợp người chết được hỏa táng. Như vậy, so với Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng thì hình thức hỏa táng đến nay ở Đà Nẵng muộn hơn và tỷ lệ hỏa táng là rất thấp.
Để thay đổi từ điạ táng truyền thống sang hỏa táng, Đà Nẵng cũng có chính sách như Hà Nội, Tp.HCM chủ trương miễn phí 100% (không thời hạn) cho người có công với cách mạng, hộ nghèo. Năm 2017 miễn phí 100% đối với mộ nằm trong dự án phải di dời, giải tỏa.
Tuy nhiên, số ca hỏa táng đến nay ở Đà Nẵng cũng hết sức ít ỏi, bởi “phong tục địa táng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây nói riêng và người dân khu vực miền Trung nói chung.
Điểm qua một vài số liệu nêu trên của các thành phố phía Bắc, miền Trung và Tp. HCM trong việc thay đổi hình thức mai táng truyền thống sang hỏa táng (hiện đại) để chúng ta dễ dàng hình dung cho hướng tiếp cận và có chính sách về việc mai táng nói chung hiện nay ở các khu vực. Từ đó mà có giải pháp hợp lý cho việc an táng hiện đại theo xu thế hội nhập.
Tìm hiểu về xu hướng hỏa táng ở Việt Nam và nước ngoài cho thấy: Nước ta thường có tập tục địa táng cho người đã khuất. Quy trình này có nhiều lễ nghi phức tạp, tốn kém thời gian tiền bạc. Đồng thời nó làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực nghĩa địa bị ô nhiễm và trở nên nỗi u ám.
Từ thời Vua Hùng đã song hành 2 hình thức mai táng là địa táng và hỏa táng. Đương nhiên hình thức hỏa táng ở thời kỳ cổ xưa và đến thời phong kiến quân chủ là ít ỏi và chỉ được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt (kể cả nội dung và hình thức) hỏa táng.
Tuy nhiên hình thức địa táng từ xưa đến nay vẫn được coi là phổ biến. Nhưng hiện nay trong bối cảnh dân số tăng, diện tích đất đai thu hẹp thì người dân lại chọn hình thức hỏa táng. Và thực tế xu hướng này đang tăng nhanh ở Tp. Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, đến nay tỷ lệ hỏa táng tại các thành phố lớn nêu trên đã đạt tỷ lệ trên 50%. Dự kiến đến năm 2025 tỷ lệ này sẽ nâng lên từ 65-70%. Nhân đây chúng ta cũng nhìn sang các nước châu Âu, và một số nước châu Á trong khu vực để thấy tỷ lệ hỏa táng của họ đến nay cũng đã đạt khá cao so với nước ta hiện tại (trên 70%); điển hình là Singapore, Đài Loan, Malaixia và một số nước trong khu vực. Đặc biệt là ở Nhật Bản “quốc gia thích hỏa táng trên thế giới” tỷ lệ hỏa táng ở đây đã đạt xấp xỉ 100% số người mất.
Với nước ta điều đáng nói ở đây là khu vực miềm Trung, việc hỏa táng đang gặp những rào cản nếu không muốn nói là thách đố với hình thức này, bởi quan niệm của người dân từ bao đời nay cho rằng hỏa táng không tốt, không nguyên vẹn xác…Nhân đây cũng xin thưa, trường hợp này không chỉ riêng miền Trung mà một số địa phương khác ở nước ta cũng có tình trạnh “nấn cấn” như người dân các tỉnh miền Trung. Đây là tín ngưỡng dân gian thần quyền từ bao đời nay, chúng ta cần phải tuyên truyền tốt thì mới làm sáng tỏ được vấn đề tâm linh phức tạp này.
Với góc nhìn Phật giáo, việc xả bỏ xác thân như một điều tất yếu nhẹ nhàng đối với người tu theo đạo Phật. Còn thực tế số đông người dân chúng ta đều lo lắng bàng hoàng trước sự sinh tử. Đây là một vấn đề đặt ra đối với những người tu Phật giáo. Mà nói cụ thể hơn là vai trò của các thầy trụ trì ở các chùa, cũng như các tu sĩ xuất gia với kiến thức Phật pháp của mình, với lòng từ bi và tinh tấn giác ngộ của mình; hãy vân lời đức Thế Tôn chỉ dạy vì cộng đồng không ngại gian khó phổ độ giáo lý chánh pháp đến người dân. Nhằm cải thiện tình trạng mê tín (bám chấp thân) dẫn đến tình trạng không thay đổi việc an táng tiến bộ mà chỉ chú trọng đến việc “xây mộ” cho to phô trương hình thức; với tư tưởng mong chờ mộ “kết phát” mà không tu phước nghiệp lành để hướng đến cảnh giới an lạc, mà chỉ quanh quẩn nơi phước âm để rồi dẫn đến cam chịu cảnh giới đọa lạc xấu ác.
Nếu là Phật tử thuần thành, chúng ta sẽ không từ nan gian khổ học tập giáo lý sâu mầu của đức Phật. Trước là giác ngộ cho mình, sau là xiển dương giáo lý Duyên sinh của đạo Phật đến với mọi người để chúng ta hiểu được đích thật nguyên lý sinh tử của kiếp nhân sinh. Nhằm giúp cho con người liễu lộ được yếu tố tâm linh tối thượng, đó là mục đích dài hạn tốt đẹp của kiếp sống, chứ không phải chỉ có một đời (vài chục) năm ở kiếp sống này.
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải có tu! Vì có tu mới giác ngô để hiểu được sự thật nơi trái đất này là (ngũ thú tạp cư). Con người là tối thượng chứ không có thần linh, ma quỷ nào chi phối được mình. Bởi theo Phật dạy, ai cũng có tánh giác, tánh Phật. Tu ở đây được hiểu là chúng ta luôn luôn để tâm xa lánh việc dữ, và hằng làm những việc thiện lành. Vậy nhân gian mới có câu “tu nhân tích đức” để đời sau, kiếp sau nghĩa là nói tới sự tu thường trực mọi lúc mọi nơi của con người; chứ không phải chỉ có người Phật tử ở chùa đọc kinh, gõ mõ mới là tu. Nói về sự tu Phật giáo dạy thật rõ ràng: “Muốn tái sinh làm người có phước thì hiện tại phải tu Thân, Miệng, Ý, Mạng thanh tịnh”. Ngược lại, “Thân, Miệng, Ý, Mạng không thanh tịnh” thì bị đọa vào cõi ác đạo.. Nếu muốn sinh lên cõi Trời cần thực hành “Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi” tức (Tứ ân). Nhưng ai thực hành Tứ thiền, thì dứt trừ lậu hoặc, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nên, người đệ tử Phật chân chính không cần xin thần linh cứu rỗi hay cứu độ, không sợ hãi ma quỷ đưa lối dẫn đường. Bởi Phật dạy, “mình là chủ nhân ông của chính mình”. Và khi thấy rõ nghiệp nhân của mình tạo tác thì ắt cũng biết rõ nơi mình sẽ tái sinh ở đời sau. Làm sao phải lo lắng quan tâm đến mộ phần, lăng tẩm.
Chết trong tỉnh thức là không bị đọa lạc (tam đồ) tức 3 đường ác. Chính vì điều này mà đức Phật dạy Pháp “Niệm chết” (trong thập niệm). Niệm chết để chống loạn tưởng. Pháp này ứng dụng trong suốt quá trình sống đến khi chết không sợ hãi. Phải chăng đây là pháp mà đức Phật dạy chúng ta về sự tỉnh thức trước cái chết vô thường.
Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin được dẫn ra đây bài kệ của ngài Xá Lợi Phất (một trong 10 đệ tử lớn của Phật) được ngài khen là trí tuệ trong giáo đoàn:
“Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, tôi sẽ lìa bỏ thân xác này, có sự nhận biết rõ, có niêm.
Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, giống như người làm thuê chờ đợi tiền công”
Bài kệ này, phản ánh tâm trí của người tu tỉnh thức, dù chết cách gì đi nữa, người tu sẽ vẫn không bị đọa lạc, cũng ví như ghè dầu, sữa hay bơ bị bể (vỡ) trên hồ nước sâu, thì ghè (vại) sẽ bể vụn, tan nát, chìm xuống, nhưng dầu, sữa và bơ sẽ nổi lên.
Vậy chúng ta là Phật tử, hay chưa phải là Phật tử, hãy nhớ lời Phật dạy giữ gìn “thân, khẩu, ý”. (không tham, không sân, không si mê, nóng giận) luôn luôn làm việc thiện lành, ngăn ngừa việc (xấu ác) thì khi chết thần thức không bị rối loạn sẽ vãng sinh cảnh giới an lành. Vậy cớ sao còn bận tâm đến mồ mả xây cất to nhỏ, cúng vái lâu dài…Người giác ngộ – giải thoát khi chết (chuyển đổi đời sống khác) họ đã có cơ chế riêng đời sống cảnh giới của họ rồi…Đâu còn phải lo lắng, sợ hãi để tưởng tượng mơ hồ.
Chú thích: (1) Tứ đại: theo Phật giáo người ta ra đời là do 4 yếu tố: đất, nước, gió, lửa hình thành nên cái xác thân này. (2) Tam đồ: cảnh giới của Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục. (3) Trung ấm thân: theo Phật giáo khi con người chết thân xác về với đất, nước, gió, lửa gọi chung là cát bụi. Còn thức linh, hay giác linh (tinh thần) mang điện từ ân dương theo nghiệp tái sinh một đời sống khác. Mạc dù không có hình tướng, nhưng Trung ấm thân có nhận thức theo một cơ chế mới.
Tài liệu tham khảo:
– Tử thư Tây Tạng – (Nxb-VHTT-2009).
– Hết đất chôn nếu không hỏa táng (báo Tuổi trẻ 29/11/2017).
Bài viết liên quan
- Đám tang khu vực Nam Bộ: không khí tang lễ và các điều cần chú ý Đám tang là một sự kiện buồn đối với gia đình. Nó không chỉ liên quan đến việc mất đi người thân, bạn bè. Đám...
- Bí ẩn lễ hỏa thiêu của người Dao, Phượng Độ, Hà Giang Người Dao áo dài (hay còn gọi là Dao chàm cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang) ngoài những phong tục dành cho sinh...
- Bài cúng cô hồn rằm tháng 7 tại nhà năm 2022 mới nhất Theo truyền thống dân gian, vào Rằm tháng 7 âm lịch, người Việt thường chuẩn bị một mâm cơm nhỏ ngoài trời để cúng bố...
- Tâm linh – Phong tục tang lễ của người Việt Thật kỳ lạ, xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những cụ cao tuổi có...
- Những điều kiêng kỵ khi bốc bát hương mà ai cũng cần nhớ Phong tục bốc bát hương trong thờ cúng tôn giáo của người Việt Nam là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự tôn kính...
- Nghi thức tổ chức tang lễ cán bộ Khác hẳn với những buổi tang lễ thông thường, tang lễ cán bộ cấp cao có những quy định riêng theo nghị định chính phủ...