Nên hỏa táng hay địa táng khi có người thân mất?
Hiện nhu cầu hỏa táng, gửi tro cốt vào chùa của người dân ngày càng tăng cao. Khi có người thân mất, nhiều người dân vẫn phân vân trong việc lựa chọn hình thức hỏa táng hay địa táng.
Hỏa táng rồi gửi tro cốt vào chùa là sự lựa chọn của nhiều người dân hiện nay
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc hỏa táng có từ thời Đức Phật tại thế, hiện nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar,… đều phổ biến việc hỏa táng.
“Có người sợ thiêu người thân mất sẽ nóng, chứ thật ra thiêu rồi thì sẽ nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn. Thiêu thì thành tro cốt, có thể đem rải trên núi, rải ra sông ra biển hoặc để trong hũ cốt thờ cũng nhẹ nhàng. Bây giờ người ta tiến đến một bước nữa gọi là thạch táng được cô đọng lại trong một tháp thuỷ tinh nhỏ nhỏ, nhìn sạch sẽ và nhẹ nhàng lắm. Đấy cũng được xem như là một dấu tích của ông, bà, cha mẹ người thân của mình thôi” – Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ.
Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, người dân nên hỏa táng để được nhẹ nhàng hơn
“Người dân muốn chôn hay muốn thiêu thì đều có ý nghĩa như nhau, địa táng hay hỏa táng cũng đều trả về cho đất, nước, lửa, gió. Trong thời đại mà cả thế giới đang có xu hướng bảo vệ môi trường thanh sạch, thì đúng thiêu sẽ có ý nghĩa bảo vệ môi trường hơn” – Hòa thượng Thích Giác Toàn nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở TPHCM đang có nhiều dịch vụ mai táng hỗ trợ các gia đình thủ tục hỏa táng, đáp ứng nhu cầu hỏa táng của người dân thành phố ngày càng tăng. Dịch vụ hỏa táng có cả nhà nước và tư nhân để người dân lựa chọn. Hầu hết các lò hỏa táng đều được nhập nhẩu từ nước ngoài, với công nghệ cao, tự động, vận hành nhanh chóng và chính xác.
Theo đó, cơ sở hỏa táng của Nhà nước gồm có các đơn vị như: Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (đường Tân Kỳ Tân Qúy, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân); Trung tâm hỏa táng Đa Phước (quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh); Trung tâm hỏa táng nghĩa trang thành phố (huyện Củ Chi);…
Trong khi đó, cơ sở hỏa táng tư nhân có các đơn vị như: Trung tâm hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9); Trung tâm hỏa táng tháp Long Thọ (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); Lò thiêu Phước Lạc Viên (QL 1K, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương);…
Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc Lò thiêu Phước Lạc Viên cho biết, quy trình hỏa táng được thực hiện đơn giản và hợp lý. Trong quá trình thiêu, nhiệt độ trong lò có thể lên tới hơn 1.000 độ C để thiêu hủy thành tro mọi thành phần hữu cơ và chỉ còn lại tro cốt, thời gian hỏa táng có thể kéo dài từ 2 – 3h.
“Công suất thiêu tại Phước Lạc Viên là 16 ca/ngày, với chi phí từ 2,9 triệu đồng đến 3,7 triệu đồng/ca” – ông Tài nói.
Ngày càng có nhiều người dân gửi tro cốt vào chùa
Bài viết liên quan
- Phân biệt mộ, phần mộ và lăng mộ Tục chôn cất người chết được hình thành trong sự phát triển của loài người. Thủa sơ khai con người chưa có hành vi chôn...
- Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng...
- Chi phí hậu sự tăng cao mùa dịch COVID-19, nhiều gia đình khổ càng khổ hơn TTO – Những ngày qua, Tuổi Trẻ Online liên tục nhận được những phản ảnh về chi phí lo tang lễ cho người dân mất...
- TANG PHỤC TRUYỀN THỐNG Con trai mặc tang cha mẹ: Con trai kể từ trưởng nam trở xuống khi cha mẹ mất đều đội mũ vành tròn bện bằng...
- Phát hiện điểm hỏa táng gần 3.000 năm tuổi Ba ngôi mộ cổ tại thành phố Gela cung cấp thêm thông tin về những nghi thức tiễn đưa người chết của người Hy Lạp...
- Hướng dẫn về tang phục (đồ tang) Tang Phục biểu hiện trình độ văn hóa – văn minh của các dân tộc trên thế giới. Ở châu âu, những người chịu tang thường...