Cần thay đổi một nếp nghĩ, thói quen
Để khuyến khích người dân chọn hình thức hỏa táng thay vì hình thức địa táng truyền thống, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, đặc biệt là Hội Người cao tuổi và tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, đại đa số người dân vẫn chưa mặn mà. Theo nhiều ý kiến, đối với câu chuyện hỏa táng hiện nay tại Đà Nẵng, phải dùng biện pháp tuyên truyền đặc thù, chính là tiếng nói của các chức sắc tôn giáo mới có thể tác động được quan niệm của người dân.
Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Chúc Tín, trú trì chùa Bát Nhã, người rất tâm huyết và đã có nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tham luận tuyên truyền vận động người dân chọn hình thức hỏa táng. Đại đức Thích Chúc Tín bắt đầu tuyên truyền về hình thức hỏa táng từ 2013, tại một số cơ quan đơn vị như Mặt trận quận Hải Châu, quận Liên Chiểu, một số khu phố ở quận Sơn Trà; tuyên truyền ở Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố…
* Sở dĩ người dân Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chưa mặn mà với hình thức hỏa táng vốn đã áp dụng ở rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới là do còn nặng nề trong quan niệm về cái chết, sau cái chết. Vậy theo nhà Phật, sự chết nên được hiểu như thế nào?
– Chết là một cuộc chia ly trọng đại liên tục diễn ra trong mọi sự sống nhưng cũng chính là vấn đề mà loài người luôn âm thầm lo sợ và hoài nghi. Hoài nghi về sự chết luôn là câu chuyện nóng bỏng của khoa học, của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật. Các nhà khoa học duy vật biện chứng cho rằng, con người là một dạng vật chất, sau khi chết là hết, cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Các nhà tôn giáo (duy tâm) chủ trương sau khi chết thân thể rã rời và linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp khác, tùy ý muốn của thượng đế hoặc sinh cảnh giới nào sẽ tiếp tục đầu thai lại ở cảnh giới đó. Khác hai quan điểm trên, đạo Phật cho rằng con người là một hợp thể của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức). Chết là sự biến mất, hoại diệt của năm uẩn, sự hoại diệt của các căn, sự tan rã, chấm dứt mạng sống. Chết là quy luật thường tình của đời người “sinh, lão, bệnh, tử”, ai rồi cũng không thể tránh khỏi cái chết.
Tuy nhiên, do thiếu suy nghiệm về cái chết và sợ chết nên con người có tâm lý chấp thủ, tiếc nuối thân xác sau khi chết và cố tâm duy trì, bảo dưỡng bằng cách xây lăng mộ to lớn, thực hiện nghi lễ cầu kỳ, những phương thức an táng tốn kém. Vì suy nghĩ muốn bảo tồn vẹn nguyên thân xác người chết, vì sự tôn kính và tình thương với người đã khuất, người Việt xưa nay đã chọn hình thức địa táng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, địa táng thật sự đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội và môi trường, là vấn đề đáng phải ưu tư.
* Đại đức có thể phân tích rõ hơn những ảnh hưởng của hình thức địa táng đối với kinh tế, xã hội và môi trường?
– Do quan niệm “mồ yên mả đẹp” nên nhiều người Việt ở tuổi năm mươi, sáu mươi đã bắt đầu lo đến nơi an nghỉ cuối cùng, tìm một miếng đất có địa thế đẹp để sau này làm nơi an táng cho mình. Thực tế hiện nay, không ít người đã chiếm những mảnh đất trống trên các gò đồi hoang vắng, vừa để cất nhà ở, vừa làm nơi an táng cho người chết sau này. Người nghèo sống không có đất ở, phải giành với người chết từng tấc đất. Những gia đình có điều kiện xây lăng mộ to, chiếm đất rất nhiều. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tộc họ cũng tranh thủ mua hoặc xin đất làm nơi chôn cất sau này. Khi người sống loay hoay tìm đất xây nhà để an cư, thì vẫn còn đó những mảnh đất trống để dành cho người chết. Đó thực sự là một lãng phí rất lớn về quỹ đất vốn đang ngày càng hạn hẹp cho người sống.
Người Việt không chỉ nặng về địa táng mà còn rất quan trọng phong thủy cho địa táng. Tại nhiều nghĩa trang hiện đại, những khu đất dành chôn cất tộc họ, việc chọn thế đất hợp phong thủy đã nảy sinh vấn đề tranh giành đất. Đổ tiền vào mua đất địa táng, xây mồ đã tốn, muốn mồ yên mả đẹp thì hằng năm, con cháu phải đi thăm, kiểm tra, duy tu bảo dưỡng liên tục cũng tốn thêm những chi phí không nhỏ.
Không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, địa táng còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Xác chết để lâu ngày dưới đất sẽ phân hủy, sinh ra các vi khuẩn có hại, ngấm vào mạch nước ngầm, phát tán vi khuẩn gây bệnh cho người. Đó là chưa kể những trường hợp địa táng người chết vì bệnh truyền nhiễm, mức độ nguy hại đến người đang sống là chuyện nhãn tiền.
* Vì sao hỏa táng được coi là hình thức văn minh nhất, thưa Đại đức?
– Có khá nhiều hình thức an táng trên thế giới nhưng hỏa táng được nhiều nước áp dụng và được coi là hình thức văn minh nhất. Như Ấn Độ có một nền tôn giáo lâu đời, song việc hỏa thiêu rất phổ biến từ xưa đến nay, vì họ quan niệm rằng, chết rồi thì đừng nên luyến tiếc gì cả, sự luyến tiếc với xác thân, chôn giữ và bảo quản thân xác đã chết không chỉ gây nhiều phiền lụy cho người đang sống (như trên đã phân tích) mà sẽ không tốt cho người quá cố khi họ muốn giải thoát hay tái sinh.
Tại Việt Nam, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc hỏa táng đang ngày càng được nhiều người áp dụng. Bởi, hỏa táng giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí xây dựng, bảo quản và đi lại thăm viếng mồ mả, tiết kiệm quỹ đất, góp phần bảo vệ môi trường, do các loại vi khuẩn gây bệnh đã bị tiêu hủy sau khi hỏa táng.
* Những lợi ích của hỏa táng ai cũng có thể thấy, vậy chung quy lại đâu là rào cản khiến nhiều người vẫn dè dặt trong việc tiếp cận hình thức an táng này?
– Rào cản lớn nhất chính là quan niệm người dân từ bao đời. Nhiều người cho rằng, hỏa táng không tốt, không còn vẹn nguyên thân xác, vong linh không về được với con cháu… Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm, là thói quen, thực tế hình thức nào cũng không ảnh hưởng đến sự linh thiêng của người đã chết. Có người cho rằng, chết mà hỏa táng sẽ rất nóng và sinh ra tâm lý sợ hãi nên nhắn nhủ con cháu phải chôn chứ đừng thiêu. Thực ra, dù thiêu hay chôn thì thân xác người chết cũng không còn cảm giác nóng hay lạnh, vì khi chết, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác.
Rào cản tiếp theo là cơ sở vật chất, hiện nay nước ta còn rất ít lò thiêu cho việc hỏa táng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, thông tin đại chúng về hỏa táng còn rất hạn chế.
Việc tuyên truyền hình thức hỏa táng văn minh cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thậm chí, cần có những buổi học ngoại khóa tại các trường học để hướng dẫn thế hệ trẻ tầm quan trọng, lợi ích của phương thức hỏa táng.
* Cảm ơn Đại đức về cuộc trao đổi!
Bài viết liên quan
- Phật giáo: Hỏa táng là việc rất tự nhiên như hơi thở Phật giáo cho rằng, mỗi con người đều có 2 phần là thân xác và linh hồn. Hồn là phần quan trọng, xác chỉ là...
- Ngọc xá lợi dưới góc nhìn khoa học Ngọc xá lợi là phần di thể của các vị cao tăng Phật giáo sau hỏa táng. Đó là những hạt kích thước nhỏ, có...
- Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn Khó có thể định nghĩa tâm linh là gì, song có thể khẳng định chỉ có con người mới có được khái niệm về tâm...
- Công nghệ thủy táng là gì và có ý nghĩa như thế nào? Thủy táng là một trong những hình thức mai táng hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, vẫn không ít người còn khá xa lạ...
- NHỮNG TỤC LỆ CẦN GIỮ KHI QUANG XÁC VÀ HIỆN TƯỢNG QUỶ NHẬP TRÀNG Những tục lệ cần giữ khi quang xác và hiện tượng quỷ nhập tràng Những Tục Lệ Cần Giữ Khi Quàng Xác? -Tại sao có...
- PHẬT GIÁO, CÔNG GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN VỀ TANG LỄ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM Phật giáo công giáo và phong tục tập quán về tang lễ của người VN Phong tục tập quán của lễ tang xưa và nay...